Quỹ ngoại tranh thủ gom cổ phiếu FPT trước thềm phiên đấu giá của SCIC

19/07/2020 14:55

Tính từ đầu tháng 7, Macquarie Bank Limited đã nhận về tổng cộng 4,6 triệu cổ phiếu FPT từ các quỹ ngoại khác.

Quỹ ngoại tranh thủ gom cổ phiếu FPT trước thềm phiên đấu giá của SCIC

Ảnh minh họa.

SCIC bán đấu giá trọn lô 46 triệu cổ phiếu FPT, dự kiến thu về gần 2.300 tỷ đồng

Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây đã ra thông báo bán đấu giá cổ phần tại CTCP FPT (mã FPT).

Theo đó, SCIC sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 46 triệu cổ phần FPT với giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị khởi điểm gần 2.300 tỷ đồng. So với thị giá ngày 10/7 là 47.800 đồng/cổ phiếu thì mức giá khởi điểm SCIC đưa ra cho FPT cao hơn 3,3%. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 7/8/2020 tại Sở GDCK TP.HCM (HoSE).

Đáng chú ý khối ngoại sẽ không được tham gia mua cổ phần từ SCIC do FPT đã hết room nước ngoài. Do đó, đây có thể là rào cản không nhỏ cho phiên đấu giá cổ phần của SCIC.

FPT từ lâu luôn là cổ phiếu được khối ngoại ưa thích. Tuy nhiên do đã hết room ngoại nên các quỹ thường chỉ gia tăng sở hữu từ việc "trao tay" nhau hoặc mua cổ phiếu gián tiếp thông qua các quỹ ETFs. Trong cơ cấu thành phần quỹ VFMVN Diamond ETF mới được hình thành gần đây, FPT là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với xấp xỉ 15%.

Các quỹ ngoại vừa “trao tay” 2,3 triệu cổ phiếu FPT

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) giữa các quỹ ngoại trong phiên giao dịch ngày 14/7.

Cụ thể, Macquarie Bank Limited đã nhận chuyển quyền sở hữu 1,955 triệu cổ phiếu FPT từ Vietnam Growth Stock Income Mother Fund và 345.000 cổ phiếu FPT từ CAM Vietnam Mother Fund.

Trước đó vào ngày 9/7, Macquarie Bank Limited cũng đã nhận về 2,3 triệu cổ phiếu FPT từ Truck Capital Master Fund, Ltd. Như vậy, tính từ đầu tháng 7, quỹ ngoại này đã nhận về tổng cộng 4,6 triệu cổ phiếu FPT.

Được biết, Macquarie Bank Limited có trụ sở hoạt động tại Australia. Hoạt động của Macquarie Group (công ty mẹ Macquarie Bank Limited) là cung cấp dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư. Tính đến cuối năm 2019, tài sản thuộc quyền quản lý của Macquarie Group vào khoảng 380 tỷ USD.

Trên thị trường, cổ phiếu FPT kết thúc ngày 15/7 dừng ở mức 48.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% so với thời điểm cuối tháng 3. Ước tính, giá trị thị trường của lô cổ phiếu Macquarie Bank Limited vào khoảng 220 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng không được công bố tuy nhiên nhiều khả năng giá chuyển nhượng cổ phiếu FPT sẽ cao hơn so với giá thị trường do cổ phiếu này thường xuyên kín room ngoại.

Vinatex-Tân Tạo vừa mua xong 5 triệu cổ phiếu KBC

CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo đã mua hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị Kinh Bắc. Giao dịch thực hiện từ 24/6 đến 13/7/2020. Sau giao dịch Vinatex Tân Tạo nâng lượng sở hữu cổ phiếu KBC lên gần 11 triệu tương ứng tỷ lệ 2,34%.

Về mối liên quan, Vinatex Tân Tạo là công ty do ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Ông Đặng Thành Tâm cũng là Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc City.

Trước đó giai đoạn từ 6/4 đến 24/4/2020 cá nhân ông Đặng Thành Tâm vừa mua xong 10 triệu cổ phiếu KBC.

Về diễn biến giá cả, trên thị trường cổ phiếu KBC sau khi giảm sâu về mức giá 10.350 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/3/2020) thì đã tăng mạnh và hiện giao dịch quanh mức 14.200 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, Vinatex Tân Tạo sẽ chi khoảng 71 tỷ đồng để mua đủ số cổ phiếu đăng ký.

Một thông tin liên quan, đầu tháng 12/2019 Kinh Bắc City thông qua việc nhận hỗ trợ vốn từ Vinatex Tân Tạo với số tiền 100 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động cho công ty - là khoản hỗ trợ vốn tín chấp. Trên BCTC năm 2019 của Kinh Bắc City cũng ghi nhận trong năm công ty phát sinh khoản vay 100 tỷ đồng đối với Vinatex Tân Tạo.

Cổ đông lớn Đầu tư VSD muốn thoái hết vốn tại SMA

CTCP Đầu tư VSD đã đăng ký bán hết toàn bộ hơn 4,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 24,43% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã SMA). Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 16/7 đến 14/8/2020.

Đầu tư VSD muốn thoái vốn tại SMA trong bối cảnh cổ phiếu SMA đang giảm mạnh. Gần đây nhất, SMA đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp, xuống dưới mệnh giá, còn 8.780 đồng/cổ phiếu.

Tính xa hơn tí, trước đó vào ngày 19/5/2002 cổ phiếu SMA đã tăng mạnh lên mức 20.500 đồng/cổ phiếu nhưng cũng chỉ giữ được 2 phiên trước khi rơi vào chuỗi giảm điểm liên miên.

Hơn 1 năm trước, ngày 13/6/2019 Đầu tư VSD mua vào hơn 4,6 triệu cổ phiếu SMA và trở thành cổ đông lớn của Thiết bị phụ tùng Sài Gòn. Trước giao dịch này Đầu tư VSD không sở hữu cổ phiếu SMA nào. Thêm một điểm đáng chú ý, cũng trong ngày 13/6/2019 - ngày Đầu tư VSD mua vào, có giao dịch thỏa thuận 9,6 triệu cổ phiếu SMA với giá bình quân 16.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy Đầu tư VSD đã lỗ khoảng 50% giá trị sau hơn 1 năm đầu tư vào cổ phiếu SMA.

Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của SMA đang có sự thay đổi lớn. SCIC cũng vừa đăng ký bán hết toàn bộ 482.856 cổ phiếu SMA đang sở hữu (tỷ lệ 2,54%) – giao dịch dự kiến thực hiện từ 6/7 đến 4/8/2020. Một cổ đông lớn – ông Hà Sỹ Dinh thì vừa bán xong toàn bộ gần 1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,06%) và không còn là cổ đông lớn của SMA.