CEO Vinatex: Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng
10/05/2020 11:12
Ông Lê Tiến Trường cho rằng đặc thù của ngành dệt may là có sử dụng nhiều lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên công nhân không có nhiều tích lũy.Doanh nghiệp chọn cách sản xuất tất cả những mặt hàng dựa trên nguyên liệu sẵn có thay vì cắt giảm lao động.Doanh nghiệp cũng điều chỉnh thời gian làm việc linh hoạt cho phù hợp với những đơn hàng có.Đối tác chấp nhận chi trả phần chi phí tối thiểu cho người lao động với những đơn hàng bị giãn, hoãn.
Tại hội nghị "Thủ tướng với Doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19" diễn ra ngày 9/5, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex, Phó Chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết doanh nghiệp đã xác định hai tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex, Phó Chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam. |
Cũng theo ông Trường, dệt may với đặc thù là ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên người lao động không có tích luỹ. Khi bị cho nghỉ làm chờ việc, dù được hỗ trợ 1,8 triệu VND/tháng từ Chính phủ thì người lao động cũng nhanh chóng tìm kiếm công việc khác để duy trì đời sống.
Người lao động ngừng, nghỉ việc, doanh nghiệp có khả năng mất trên 50% lao động. Khi ấy, nếu thị trường sớm phục hồi thì doanh nghiệp cũng không còn cơ hội sản xuất kinh doanh để bù lại những tổn thất do dịch bệnh gây ra. Do vậy, doanh nghiệp dệt may lựa chọn sản xuất tất cả những mặt hàng có thể dựa trên những công nghệ, nguyên liệu hiện có thay vì cắt giảm lao động.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sản xuất linh hoạt như người lao động có thể làm 3 ca khi có đơn hàng và nghỉ bù khi số lượng đơn hàng giảm. Số giờ làm duy trì mức 40h/tuần thay vì 54h/tuần như trước kia để đảm bảo 100% người lao động có việc làm.
Với những đơn hàng bị giãn, hoãn hủy, doanh nghiệp đã thuyết phục các nhà mua hàng lớn trên thế giới như H&M, Zara chia sẻ chi phí tối thiểu cho người lao động với doanh nghiệp.
Do dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào thiếu hụt và hoạt động sản xuất bị gián đoạn, ông Trường cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn nguyên liệu về trong nước. Việc này góp phần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) cho các đơn hàng của Zara, Uniqlo, H&M. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thử nghiệm những đơn hàng mới, quy mô nhỏ nhưng có chất lượng và yêu cầu cao.
Bên cạnh đó, những mặt hàng như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cũng được doanh nghiệp duy trì công suất sản xuất khi dự báo nguồn cầu từ thị trường vẫn còn cao đến hết quý II.
Được dự báo là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, ông Trường đề xuất cho phép doanh nghiệp ngành dệt may miễn đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn từ tháng 5 đến tháng 12. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần trình bảng lương vẫn duy trì việc làm, tạo thu nhập trên mức tối thiểu cho người lao thì được miễn các loại phí trên.
Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị những khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc được giãn và những khoản vay mới vẫn được giải ngân theo tiến độ.
Để tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu từ EVFTA ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, ông Trường kiến nghị các Bộ, ngành chuẩn bị những hướng dẫn và thông tư một cách nhanh nhất để doanh nghiệp dệt may không bị lỡ ‘cơ hội vàng’.
Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam. |
Báo cáo trước đó của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt gần 11 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt hơn 5 tỷ USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên, tất cả các mặt hàng của ngành đều tăng trưởng âm. Trong đó, xuất khẩu vải không dệt giảm nhiều nhất, hơn 22%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu vải ít nhất, giảm gần 11%.