TP.HCM: Không để mỗi dự án ở Nhà Bè là một ốc đảo

20/07/2020 21:52

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đặt ra yêu cầu các dự án bất động sản ở Nhà Bè phải nằm trong tổng thể chung về xây dựng đô thị xanh, phát triển bền vững chứ không phải "mạnh ai nấy làm".

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo /// Ảnh: Sỹ Đông

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ngày 17.7, UBND H.Nhà Bè tổ chức hội thảo phát triển kinh tế đô thị, với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, bất động sản, nông nghiệp xanh… để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Giữ bản sắc xanh của Nhà Bè

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP là đô thị đặc biệt, diện tích bé, dân số cao và thường xuyên đóng góp 27-28% cho ngân sách cả nước nên đặt ra bài toán phải sử dụng hiệu quả nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý.

H.Nhà Bè có vị trí thuận lợi, giữ vai trò kết nối với biển, gần đây có sự chuyển biến tích cực về giao thông. Ông Đức nhìn nhận đặc trưng của Nhà Bè đó là “bản sắc xanh” với hệ thống kênh rạch, cây cối tự nhiên nên tầm nhìn về xây dựng đô thị phải gắn với bản sắc này. Đồng thời, huyện phải có định hướng quy hoạch tổng thể để dự án bất động sản dù được phát triển bởi các nhà đầu tư khác nhau nhưng khi ghép thành tổng thể chung phải thể hiện ý tưởng quy hoạch từ đầu chứ không phải mạnh ai nấy làm, mỗi dự án là một ốc đảo riêng.

TP.HCM: Không để mỗi dự án ở Nhà Bè là một ốc đảo - ảnh 1

H.Nhà Bè định hướng phát triển đô thị bền vững, gắn với lợi thế về sông nước.

ẢNH: SƠN NGUYỄN

Đồng tình với nhận định của các chuyên gia rằng H.Nhà Bè đang có cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng ông Dương Anh Đức lưu ý lãnh đạo H.Nhà Bè cần chú trọng đến yếu tố thứ 3 là “nhân hòa” bởi 2 yếu tố còn lại huyện không tác động được nhiều.

“Có thể yếu tố thiên thời và địa lợi không nhiều lắm nhưng nếu tạo ra được yếu tố nhân hòa thì vẫn đạt được kết quả tốt, nếu không có nhân hòa thì khó đạt thành công”, ông Đức nói và đề nghị lãnh đạo H.Nhà Bè tận dụng tốt yếu tố thiên thời, địa lợi và chủ động tạo ra yếu tố nhân hòa để xây dựng Nhà Bè thành đô thị xanh, là đô thị thông minh trong lòng TP.HCM.

Chủ động tạo quỹ đất mời gọi nhà đầu tư

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè cho biết huyện đặt mục tiêu phát triển theo hướng đô thị bền vững phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh của thành phố, trong đó chú trọng đến thương mại - dịch vụ - công nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng các điều kiện đủ để phát triển Nhà Bè sớm chuyển từ huyện lên quận vào năm 2025 như nghị quyết đại hội đề ra.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển, phát triển các dự án nhà ở dọc trục đường 15B, đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Nguyễn Bình, đồng thời khai thác đất đai phát triển du lịch kết hợp phát triển mảng xanh tại xã Long Thới, xã Nhơn Đức; phát triển công nghiệp phụ trợ, bến bãi, logistics…

Ông Nguyễn thông tin huyện đã chủ động tạo quỹ đất mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng khu tái định cư tại xã Phú Xuân, xã Nhơn Đức để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư công, cũng như tạo quỹ đất để bố trí tái định cư khi có yêu cầu.

TP.HCM: Không để mỗi dự án ở Nhà Bè là một ốc đảo - ảnh 2

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mong nhận được sự cởi mở, hỗ trợ từ lãnh đạo huyện đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, H.Nhà Bè có lợi thế quỹ đất, vị trí, có nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhiều dự án nhà ở nhưng huyện cũng đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ bao gồm về thể chế, kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực.

Còn ông Nguyễn Hoàng Giáp - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh thì đề nghị Khu Công nghiệp Hiệp Phước dành khoảng 20 - 30% quỹ đất cho lĩnh vực nông nghiệp công nghiệp sạch nhằm tận dụng các không gian xen kẽ trong khu công nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng cần quan tâm đến chính sách kết nối 3 bên giữa người có quyền sử dụng đất, nhà đầu tư nông nghiệp và chính quyền để khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp đô thị.