DIC Corp dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023 lần 2 vào ngày 21/7
30/06/2023 15:27
Cụ thể, sau khi không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 1 thành công do cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ, DIC Corp tiếp tục lên kế hoạch tổ chức Đại hội lần 2 vào ngày 21/7 (sau 30/6) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được biết, theo khoản 2 điều 139 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, DIC Corp sẽ tổ chức Đại hội trễ hơn quy định.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 1 vào ngày 28/6, DIC Corp ghi nhận có 539 cổ đông, đại diện 38,2% tổng số cổ phần lưu hành tham dự Đại hội, vì vậy Đại hội đã không thể tổ chức.
Bối cảnh Đại hội không thể tổ chức do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ngày một tăng cao khi cổ đông lớn liên tục thoái ra và gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp cuối năm 2022, điều này chính là nguyên nhân chính dẫn tới các Đại hội gần đây không thể tổ chức.
Thiên Tân và Him Lam là hai cổ đông lớn nhất đã bán ra toàn bộ cổ phần tại DIC Corp |
Cụ thể, đỉnh điểm ngày 31/12/2020, DIC Corp có 4 cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu 9,86% vốn điều lệ; con trai Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường sở hữu 8,71% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 20,45% vốn điều lệ; CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,25% vốn điều lệ; và còn lại bên ngoài là 39,73% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp cuối năm 2022, cộng với hai cổ đông lớn là Thiên Tân và Địa ốc Him Lam thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ, tỷ lệ trôi nổi bên ngoài hiện tại lên tới 82,69% vốn điều lệ.
Đặc biệt, trong danh sách cổ đông lớn thoái vốn tại DIC Corp có CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân, đây là đơn vị được giới thiệu không phải là đơn vị liên quan tới DIC Corp. Tuy nhiên, liên tục được ưu đãi mua trong các đợt phát hành riêng lẻ và xuất hiện nhiều giao dịch trực tiếp với DIC Corp.
Ở một chi tiết ít ai để ý, tại thời điểm tháng 10/2020, bà Lê Thị Hà Thành (vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn), giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Tân, trong khi đó các con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nắm vị trí Thành viên HĐQT công ty này.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, tất cả người liên quan ông Nguyễn Thiện Tuấn đã không còn nắm giữ các vị trí quan trọng tại Thiên Tân, đồng nghĩa không còn liên quan tới ông Chủ tịch HĐQT.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được thành lập năm 2007, địa chỉ tại số B11/10 Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu (dự án Khu đô thị Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư) và đại diện pháp luật là ông Đỗ Thanh Tùng.
Trước đó, ngày 14/9/2022, DIC Corp đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về điều chỉnh phương án chào bán cổ phiếu nhưng do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi quá lớn, Công ty đã không tổ chức Đại hội thành công do tỷ lệ tham dự dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Dự báo thị trường khó khăn, DIC Corp vẫn lên kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 6 lần
Trước đó, trong tài liệu Đại hội ngày 28/6, trong năm 2023, DIC Corp đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 98,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.400 tỷ đồng, tăng 604,3% so với cùng kỳ; và kế hoạch vốn đầu tư là 4.138 tỷ đồng.
DIC Corp dự báo năm 2023 là một năm tiếp tục nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó, hành trình để đáp ứng đủ điều kiện được giao đất, huy động vốn và bán hàng rất gian nan, mất nhiều thời gian, theo đó chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, phải bỏ ra nguồn tiền đáng kể mới có thể được bán hàng để tái đầu tư. Trong khi đó, sức mua bất động sản năm 2023 được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Được biết, trong năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.896,7 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 198,8 tỷ đồng, giảm 84,5% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng).
Điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, DIC Corp lên kế hoạch huy động 5.693,9 tỷ đồng nhưng thực tế huy động được 0 tỷ đồng. Trong đó, phương án phát hành 3.000 tỷ đồng (điều chỉnh giảm về 1.500 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu bị hủy; phương án phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu vẫn chưa thực hiện; và hạn mức huy động vốn 1.693,9 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện.
Quý I/2023, DIC Corp thoát lỗ nhờ thu nhập đột biến từ các khoản đầu tư
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 196,79 tỷ đồng, giảm 62,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 76,58 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 33,2% về còn 21,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 75,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 129,97 tỷ đồng, về 42,36 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng đột biến 609,6%, tương ứng tăng thêm 146,18 tỷ đồng, lên 170,16 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 77,1%, tương ứng tăng thêm 29,37 tỷ đồng, lên 67,47 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,4%, tương ứng giảm 32,79 tỷ đồng, về 41,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, DIC Corp ghi nhận lợi nhuận cốt lõi âm 66,17 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 60,38 tỷ đồng, tức giảm 126,55 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý đầu năm 2023, DIC Corp thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến.
DIC Corp thuyết minh thêm doanh thu tài chính chủ yếu do phát sinh đột biến 162,44 tỷ đồng từ thu nhập các khoản đầu tư.
Được biết, trong năm 2023, DIC Corp đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 101,3 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 7,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6, cổ phiếu DIG giảm 1.300 đồng về 21.100 đồng/cổ phiếu.