ĐHĐCĐ TPBank: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng lên tới 11%, ngừng tuyển mới nhân sự

28/05/2020 23:01

Báo cáo nhanh về kết quả kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Hưng cho biết, huy động vốn đã tăng trưởng 6%, tăng trưởng cho vay thuộc nhóm cao nhất hệ thống khi đạt gần 11%.

ĐHĐCĐ TPBank: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng lên tới 11%, ngừng tuyển mới nhân sự

ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của TPBank.

Sáng nay (27/5), Ngân hàng TPBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. 

Tăng trưởng tín dụng 4 tháng thuộc hàng cao nhất hệ thống

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2019, tổng tài sản đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2018. Tổng huy động đạt gần 147,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, cơ cấu nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn cũng có sự thay đổi về chất khi huy động thị trường 1 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm trước.

Hoạt động tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt với tổng dư nợ đạt 101,5 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm ở mức 1,28%.

Tổng thu nhập hoạt động thuần đạt 8.469 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 5.633 tỷ đồng, chiếm 66,5%; thu nhập ngoài lãi đạt 2.836%, chiếm 33,5%.

Kết thúc năm 2019, TPBank đạt 3.868 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 71,3% so với năm trước và vượt 21% kế hoạch năm. 

Cũng trong năm qua, ngân hàng đã mở rộng quy mô với việc khai trương hơn 120 điểm giao dịch mới trên toàn quốc, bao gồm các chi nhánh, phòng giao dịch và LiveBank.

TPBank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel II dù không nằm trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm.

Sang năm 2020, TPBank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng 9% lên 180 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 19% lên gần 10,2 nghìn tỷ đồng. 

Tổng dư nợ cho vay và trái phiếu tăng 15% lên gần 117,2 nghìn tỷ đồng trong khi tổng huy động dự kiến tăng 7%, lên 158,8 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2020 đạt 4.068 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thực hiện năm 2019, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.

Kế hoạch này của TPBank được xây dựng đã tính đến những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, Ban lãnh đạo ngân hàng trình đại hội kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Báo cáo nhanh về kết quả kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Hưng cho biết, huy động vốn của ngân hàng đã tăng trưởng 6%, tăng trưởng cho vay của ngân hàng thuộc nhóm cao nhất hệ thống khi đạt gần 11%.

Lợi nhuận trước thuế 4 tháng đầu năm đạt 1.200 tỷ đồng, xấp xỉ hoàn thành 30% kế hoạch năm.

Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, để đáp ứng các điều kiện trong môi trường mới, ngân hàng quyết định từ nay tới cuối năm sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương đối với các cán bộ nhân viên.

Đang đàm phán mua lại một công ty tài chính

Cũng tại đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, TPBank đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và đàm phán với đối tác để cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, qua đó trở thành công ty con của ngân hàng.

“Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang chậm hơn so với tiến độ kỳ vọng do có một số thay đổi về quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác”, ông Phú cho biết.

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2019 từ 8.566 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng chưa thành công, lãnh đạo ngân hàng cho biết, do việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước gặp một số khó khăn do tác động của thị trường cổ phiếu năm 2019. 

Vì thế, dự kiến phương án sẽ được điều chỉnh phù hợp và triển khai trong năm 2020.

Cũng theo lãnh đạo TPBank, ngân hàng đã mua gần 4 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán TPBank (TPS) với tỷ lệ sở hữu là 9,9% và hoàn tất các thủ tục trong tháng 01/2020.

Ngân hàng cũng thực hiện mua lại 34 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu trong năm 2019 và tháng 3/2020.

Phần Q&A:

Xin Ban lãnh đạo cho biết tổng dư nợ bị tác động bởi Covid-19? 

Ông Nguyễn Hưng: Nằm trong xu hướng chung của nền kinh tế, Covid-19 có ảnh hưởng khá lớn đến ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng.

Theo ước tính của chúng tôi, trong năm nay, tổng thu nhập của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khoảng 1000 tỷ đồng, bao gồm cả thoái dự thu khi cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất cho khách hàng hiện hữu, khoản vay mới lãi suất cũng thấp hơn từ 1,5% -2% so với trước đó…

Cũng phải nhấn mạnh, dù chúng tôi tiến hành giảm lãi suất, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi nhưng trong bối cảnh hiện tại, khách hàng cũng không thể “hấp thụ” được nhiều.

Xin Ban lãnh đạo chia sẻ về hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp? 

Chúng tôi đặt cao yếu tố an toàn và chất lượng, chủ yếu nhằm vào các đối tượng khách hàng tốt, sản xuất ngành hàng thiết yếu, có đủ tài sản đảm bảo, dự án có khả năng hoàn trả cho ngân hàng cả gốc và lãi.

Xin Ban lãnh đạo chia sẻ về NIM dự kiến trong năm nay? Tỷ lệ nợ xấu quý I/2020 có xu hướng tăng, vậy nợ xấu chủ yếu tăng ở phân khúc khách hàng nào?

Như cổ đông đã biết, năm nay chúng ta đều gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Theo đó, NIM năm nay chắc chắn mỏng hơn các năm trước, một phần lý do là do giảm lãi suất chia sẻ với khách hàng trong khi lãi suất huy động thì chưa thể giảm ngay được.

Nếu như trước đây NIM của ngân hàng trong khoảng từ 3-4%, thì năm nay sẽ giảm đi khoảng từ 0,5%-1%.

Đối với vấn đề nợ xấu, nợ xấu tăng chủ yếu ở các nhóm liên quan đến khách hàng cá nhân, trong đó có nhiều khách hàng vay mua ô tô, chỉ có vài khách hàng doanh nghiệp phát sinh khó khăn từ trước đó, tuy nhiên, chúng tôi đã có phương án kiểm soát.

Khi nền kinh tế khó khăn thì đồng nghĩa với việc chắc chắn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ trong xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng quản trị trong tầm kiểm soát do nợ xấu còn ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng. 

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề thu hồi nợ khá tế nhị do khách hàng cũng đang trong giai đoạn khó khăn, trong một số trường hợp phải vừa cương quyết, vừa khéo léo.

Chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu đặt ra là dưới 2,5%, thấp hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì ở mức dưới 2%.