Cổ phiếu công nghệ đồng loạt bị bán mạnh, chứng khoán Mỹ giảm điểm
24/07/2020 11:17
Nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ không hài lòng với thông tin mới nhất về việc làm cũng như lo lắng tăng cao liên quan đến khả năng gói hỗ trợ tài chính của Quốc hội Mỹ.
Ảnh minh họa/Getty Images
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu giảm điểm mạnh trên thị trường Mỹ. Cổ phiếu của công ty công nghệ lớn như Apple hay Microsoft rơi vào trạng thái bị bán mạnh. Việc sụt giảm của cổ phiếu công nghệ góp phần hơn nửa trong các nguyên nhân khiến cho chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm điểm sâu.
Nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ không hài lòng với thông tin mới nhất về việc làm cũng như lo lắng tăng cao liên quan đến khả năng gói hỗ trợ tài chính của Quốc hội Mỹ dành cho doanh nghiệp và người dân đang khó khăn sẽ bị cản trở bởi tình trạng đối đầu chính trị trên chính quyền Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 353,51 điểm tương đương 1,3% xuống 26.652,33 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,36 điểm tương đương 1,2% xuống 3.253,66 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 244,71 điểm tương đương 2,3% xuống 10.461,42 điểm.
Chỉ số Nasdaq-100, chỉ số bao gồm những công ty lớn nhất trong Nasdaq, giảm 2,7% xuống 10.580,59 điểm.
Chỉ số Russell 2000, chỉ số theo dõi các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nhỏ trên thị trường, chốt lại phiên giao dịch gần như không thay đổi ở ngưỡng 1.490,20 điểm.
Thị trường chứng khoán giảm điểm trong ngày thứ Năm, tuy nhiên xu thế tăng điểm của thị trường vẫn được tin sẽ duy trì khi mà nhà đầu tư cố gắng chuyển sở hữu ra khỏi một số cổ phiếu công nghệ và thương mại điện tử.
Trong ngày thứ Tư, Microsoft công bố quý doanh thu cao kỷ lục, tuy nhiên cổ phiếu Microsoft giảm 4,4%. Cổ phiếu Apple trong khi đó giảm 4,7%. Cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng 27% trong chỉ số S&P 500, chính vì vậy việc cổ phiếu của doanh nghiệp kể trên giảm điểm, thị trường nói chung sẽ đi xuống.
Bộ Lao động Mỹ công bố 1,42 triệu người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu trong tuần trước, mức tăng ghi nhận 109.000, đây cũng là lần đầu tiên số lượng người nộp đơn xin trợ cấp tăng tính từ cuối tháng 3/2020.
Báo cáo về số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu có thể coi như một trong những biện pháp đo lường quan trọng về tình hình đại dịch Covid-19 tại nhiều bang của Mỹ trong thời gian gần đây, điều này khiến chính quyền nhiều bang phải tái áp dụng lại các biện pháp ngăn tình trạng lây nhiễm bệnh tật lên cao.